Người môi giới bất động sản có cần phải biết luật hay không? Có cần thiết phải thi sát hạch chứng chỉ cho người môi giới không? Cơ quan nào sẽ tổ chức thi?… Đó là những nội dung gây tranh cãi khi dự thảo thông tư về môi giới bất động sản đang được đưa ra lấy ý kiến.
Nhiều ý kiến khác nhau gây tranh cãi tại buổi góp ý dự thảo thông tư về môi giới bất động sản . Ảnh: Vân Ly
“Người làm nghề môi giới bất động sản không nhất thiết phải thuộc các luật liên quan” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Ngọc Thành nói tại hội thảo do hiệp hội của ông phối hợp với Hội môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào hôm qua 27-5.
Lấy chính mình ra làm ví dụ, ông Thành cho rằng, ông từng làm giám đốc một công ty bất động sản nhưng không thuộc luật, mà lúc nào cần thì ông nhờ luật sư tư vấn pháp lý. Vị lãnh đạo hiệp hội khẳng định, việc yêu cầu người môi giới phải biết về một số luật liên quan đến bất động sản mới được cấp chứng chỉ hành nghề là “không cần thiết, bất cập”.
Theo quy định cũ, người muốn được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản chỉ cần học qua một lớp đào tạo cơ bản rồi nộp đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề tại Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố.
Nhưng dự thảo mới quy định, người muốn được cấp chứng chỉ hành nghề phải qua một lớp đào tạo và một kì thi sát hạch do Bộ Xây dựng tổ chức. Trong số các môn thi sẽ có pháp luật về đất đai, về nhà ở, về đầu tư và kinh doanh bất động sản…
Phản bác lại quan điểm của ông Thành, luật sư Trương Anh Tuấn (Công ty Luật SmiC) cho rằng, nếu người môi giới không nắm được luật sẽ dẫn đến tình trạng tư vấn sai. “Lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản có thể không cần phải thuộc luật và nhờ tư vấn, nhưng người môi giới phải nắm rõ luật”, ông Tuấn nói.
Về kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ, ông Nguyễn Ngọc Thành góp ý, nếu Bộ Xây dựng đứng ra tổ chức thi tại ba miền mỗi năm một lần, thì không thuận tiện, bởi người muốn được cấp chứng chỉ ở rải rác các tỉnh. Hơn nữa, chứng chỉ này cần được cấp liên tục, chứ không phải hàng năm.
Luật sư Trương Anh Tuấn đề nghị, không nhất thiết phải cấp Bộ đứng ra tổ chức thi mà chỉ cần cấp Sở. “Nếu Bộ làm sẽ không quản nổi, giống như một số bộ đã đứng ra cấp chứng chỉ hành nghề nhưng đã phải buông cho các hiệp hội vì làm không xuể”, ông nói.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn Cen Group cho rằng, nên để cho Hội môi giới Bất động sản hoặc Hiệp hội Bất động sản thực hiện thi sát hạch cấp chứng chỉ cho sát các yêu cầu thực tế.
Ông Hưng dẫn thực tế tại công ty mình, khi tuyển nhân viên môi giới, dù họ đã được cấp chứng chỉ nhưng vẫn phải trải qua kỳ sát hạch lại để đảm bảo tuyển được người đủ kiến thức theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, hiện cả nước có 26.000 người được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản và có 1.000 sàn giao dịch bất động sản được đăng ký.
Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng – đơn vị soạn thảo thông tư – cho biết, theo dự thảo thông tư này, những người môi giới bất động sản đã được cấp chứng chỉ cũng như các sàn bất động sản vẫn tiếp tục hoạt động. Đến 1-7-2016 (một năm sau khi Luật Kinh doanh Bất động sản) có hiệu lực thì mới phải thực hiện các quy định trong thông tư)
Ông Phấn cho biết, trước đây chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản được cấp vô thời hạn, nhưng nay dự thảo thông tư này quy định thời hạn chỉ là 5 năm. Khi hết hiệu lực, chứng chỉ không được gia hạn mà phải thi lại. Người làm mất chứng chỉ cũng không được cấp lại mà chỉ được cấp xác nhận đã được cấp chứng chỉ.
Vân Ly (TBKTSG) cafelan.vn