Kinh tế vĩ mô đang tác động tích cực lên thị trường BĐS

1778
Các chuyên gia cùng chung nhận định, việc hạ trần lãi suât tiết kiệm sẽ kích thích dòng tiền đổ sang chứng khoán, BĐS. Ảnh minh họa

Khi những thông tin về sự phục hồi của thị trường BĐS rộ lên tại các sàn giao dịch thì tính xác tín của nó vẫn bị rất nhiều người đặt dấu chấm hỏi. Nhưng mới đây, việc ngân hàng hạ trần lãi suất tiết kiệm và cuộc “tái sinh” ngoạn mục của thị trường chứng khoán đã khiến những người hồ nghi nhất cũng phải tin tưởng vào tương lai sáng láng hơn của thị trường BĐS.

Liên tiếp từ đầu năm đến nay, nhiều dự án BĐS mở bán với tỷ lệ giao dịch thành công ngoài mong đợi. Số lượng khách hàng tìm hiểu, quan tâm đến các dự án BĐS cũng không ngừng tăng. Đặc biệt, đã xuất hiện sự tham gia thị trường của các nhà đầu tư, xuất hiện mức tiền chênh… khiến cho niềm tin thị trường hồi phục càng có cơ sở.

Khảo sát của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, từ sau Tết nguyên đán, lượng người tìm kiếm thông tin về các dự án BĐS tăng đột biến. Lượt truy cập website liên tục tăng, và trong hai tuần vừa qua, trước  thông tin ngân hàng hạ lãi suất và vn-index cán mốc 600 điểm, lượt truy cập web lại lập đỉnh mới. Đây cũng là hai tín hiệu đáng chú ý nhất, gây phấn khích nhất cho thị trường BĐS thời gian gần đây.

Hạ lãi suất kích thích dòng tiền chuyển hướng sang BĐS

Qua nhiều lần dùng chiêu bài tín dụng “kích” cầu tiêu dùng, chuyển động dòng vốn kém hiệu quả, ngày 18/3, Ngân hàng nhà nước lại hạ trần lãi suất tiết kiệm và một loạt mức lãi suất điều hành khác với kỳ vọng giảm áp lực vay cho doanh nghiệp, khơi thông tín dụng.

Các chuyên gia cùng chung nhận định, việc hạ trần lãi suât tiết kiệm sẽ kích thích dòng tiền đổ sang chứng khoán, BĐS. Ảnh minh họa
Các chuyên gia cùng chung nhận định, việc hạ trần lãi suât tiết kiệm sẽ kích
thích dòng tiền đổ sang chứng khoán, BĐS. Ảnh minh họa

Khác với những lần trước, lần giảm lãi suất tiết kiệm này, Ngân hàng Nhà nước chỉ yêu cầu hạ với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, đây cũng là những kỳ hạn ưa thích của các nhà đầu tư có tiền, sẵn sàng chờ thời cơ để chuyển dịch vốn sang các loại tài sản khác như vàng, chứng khoán, bất động sản… Một điều không khó để nhận ra là thị trường BĐS đang có rất nhiều “cơ may” đón nhận dòng tiền từ sự dịch chuyển này.

Bình luận về vấn đề này, bà Phan Ngọc Dung, Trưởng phòng kinh doanh CTCP Đầu tư Phát triển dự án Việt Sinh tại Tp.HCM, nhận định: Lãi suất hạ còn 6-7% được cho là mức lãi suất thấp kích thích nhiều người muốn chuyển tiền tiết kiệm sang mua nhà hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán. Mặc dù tâm lý chờ đợi bất động sản giảm giá thêm nữa vẫn còn nhưng với những người dân có nhu cầu mua nhà để ở, thì mức lãi suất giảm, họ sẽ tính toán và chọn lựa thời điểm phù hợp để mua nhà.

Cộng hưởng với chính sách hạ lãi suất, việc nới chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ tạo ra nhu cầu mới đối với thị trường nhà ở, đặc biệt là phân khúc trung, cao cấp.

Ngoài ra, theo bà Dung, dựa trên những chuyển biến tốt của thị trường từ cuối 2013 và đầu 2014, thị trường từ nay tới cuối năm về cơ bản sẽ vẫn dần ấm lên. Nhất là khi gói 30.000 tỷ đến nay mới giải ngân được 2%, sắp tới Chính phủ buộc phải có những giải pháp nhằm thúc đẩy tốc độ giản ngân của gói hỗ trợ này, dòng tiền đổ vào bất động sản sẽ tăng lên.

Tuy vậy, một số chuyên gia đánh giá, việc hạ lãi suất tác động tốt đến thị trường BĐS nhưng chưa thực sự mạnh. Doanh nghiệp còn chưa mặn mà vì ngân hàng mới chỉ giảm lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao đối với đại đa số người có nhu cầu về nhà ở nhưng có mức thu nhập trung bình. Các ngân hàng cần phải có sự đồng bộ trong việc giảm lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay mới đạt được hiệu quả kích thích tiêu dùng cao.

Vn-index cán mốc 600 điểm – cú hích mạnh mẽ vào BĐS

Có thể nói chứng khoán và BĐS là hai anh em cùng một nhà và cùng phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế. Vì thế không chủ quan khi cho rằng, chứng khoán hồi phục cũng sẽ kéo theo BĐS và là dấu hiệu tốt của nền kinh tế.

Vn-index lập "kỳ tích" sau 7 năm. Ảnh minh họa
Vn-index lập “kỳ tích” sau 7 năm. Ảnh minh họa

Vốn được cho là “bình thông nhau”, thông tin thị trường chứng khoán vừa lập được kỳ tích khi liên tục đạt đỉnh sau 7 năm là một tín hiệu cực tốt cho thị trường BĐS. Cụ thể ngày 27/2, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt mức cao nhất trong lịch sử giao dịch của TTCK Việt Nam với con số 3.500 tỉ đồng. Chưa dừng lại ở đó, ngày 17/3 được cho là “mốc son” đáng nhớ của  TTCK khi đạt đến ngưỡng “không tưởng” 600 điểm – điều mà trước đó nhiều chuyên gia dự báo là không thể, trong khi đó nhóm cổ phiếu BĐS cũng chiếm 22% và có giá trị tăng cao nhất thị trường. Thông tin này đã giúp nền kinh tế trở nên có sức sống trở lại, kích thích người dân mạnh dạn chi tiêu hơn so với trước đây. Dù chứng khoán trong năm nay vẫn là kênh đầu tư hứa hẹn sinh lời cao, nhưng theo dự đoán từ các chuyên gia, nguồn tiền đầu từ vào chứng khoán sớm muộn sẽ tập trung lại thành một mối, sau đó lại chảy sang một kênh đầu tư khởi sắc hơn, và vào thời điểm này kênh đầu tư đó chính là bất động sản.

Tiên lượng thị trường BĐS sẽ sôi động ngay sau TTCK đã từng được nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định. Nhất là sau một thời gian khó khăn kéo dài, diễn biến thị trường đã giúp các nhà đầu tư thận trọng hơn, khi mà cơn sốt chứng khoán còn chưa biết sẽ kéo dài bao lâu thì rất nhiều nhà đầu tư đã kịp thoát hàng và kiếm một khoản lợi nhuận không nhỏ. Dòng tiền này không chóng thì chầy cũng sẽ đổ vào thị trường BĐS. Thực tế, dù ít, đã có một số nhà đầu tư lướt sóng thành công trong thời gian qua, gom tiền lại để sở hữu bất động sản. Việc mua chỗ này, bán đi mua chỗ khác của những nhà đầu tư này sẽ giúp thị trường BĐS sôi động ngay sau TTCK, giúp tan băng thị trường BĐS nhanh chóng hơn, tiêu thụ được lượng hàng tồn kho, thúc đẩy quá trình quay vòng vốn của chủ đầu tư.

Kiềm chế lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô kết hợp với các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn của Chính phủ cho thị trường BĐS trong thời gian qua đang phát huy tác dụng. Chắc chắn thông tin về việc hạ lãi suất và những tín hiệu tích cực từ thị trường vàng, chứng khoán, chỉ số CPI sẽ có những tác động nhất định đến tâm lý người mua. Niềm tin vào sự hồi phục của thị trường BĐS trong năm 2014 ngày càng được củng cố mạnh mẽ.

Đương nhiên, quá trình hồi phục thị trường BĐS sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều nhưng chắc chắn sẽ ổn định và bền vững hơn. Nhà đầu tư dù phấn khích đến đâu cũng nên có một kế hoạch dài hơi và thận trọng. “Thận trọng” vẫn là lời khuyên được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra trong lúc này.

Ngọc Sương (batdongsan.com.vn)