Quy định tách thửa tại Quận 12

3208

Câu hỏi:

Xin chào Café Luật!

Tôi tên Thuận. Tôi muốn hỏi tại thời điểm tháng 10 năm 2012 thì quy định tách thửa nhà ở đất ở tại phường Tân Thới Hiệp Quận 12 như thế nào? Diện tích tối thiểu là bao nhiêu cho đất ở chưa có nhà và đã có nhà hiện hữu. Áp dụng theo văn bản luật nào. Thủ tục làm sao?

Tôi định mua đất có nhà hiện hữu tại phường Tân Thới Hiệp Quận 12 với diện tich đất sau khi trừ lộ giới là 11,2x9m tách làm 2 căn nhà (đã có nhà hiện hữu). Căn 1: 4,5×11,2m và căn 2: diện tích đất 11,2×4,5m và diện tích nhà 4×10,53. Như vậy tôi mua căn 1 thì có tách thửa được không?

Kính gửi Quý bạn đọc

 

Café Luật – Chuyên mục hợp tác giữa Cổng thông tin và giao dịch nhadatxinh.com và Công ty luật ANVLaw xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Café Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:

Tại thời điểm tháng 10 năm 2012, khi tiến hành tách thửa đất bạn phải áp dụng quy định theo Quyết định 19/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/02/2009 về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa.

Điều 3. Những quy định cụ thể

1. Đối với đất ở:

a) Các trường hợp không được tách thửa:

– Khu vực mà pháp luật có quy định phải bảo tồn;

– Các khu vực hiện đang là biệt thự được tiếp tục quản lý theo quy hoạch; đất ở thuộc các dự án đã được Nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận cho từng nền đất theo quy hoạch được duyệt; đất thuộc khu vực đã được cơ quan cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Trường hợp quy hoạch chi tiết này không còn phù hợp, phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định pháp luật trước khi thực hiện tách thửa, việc tách thửa phải đảm bảo đúng theo quy hoạch đã điều chỉnh;

– Trường hợp vị trí nhà, đất ở thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố thì không được tách thửa.

b) Ngoài các trường hợp quy định tại điểm a khoản này được tách thửa, nhưng phải đảm bảo phù hợp quy hoạch và các điều kiện sau:

– Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại, sau khi trừ lộ giới, diện tích tối thiểu như sau:

Khu vực

Đất ở

Đất ở chưa có nhà (m2)

Đất có nhà hiện hữu (m2)

Khu vực 1: gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình

50m2 và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m

45m2 và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 3m tại đường phố có lộ giới > 20m; 36m2 và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 3m tại đường phố có lộ giới < 20m.

Khu vực 2: gồm các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và các thị trấn, các huyện được quy hoạch đô thị hóa

80m2 và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5m

50m2 và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m.

Như vậy, diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa khi tách thửa đất thuộc quận 12:

– Đối với đất chưa có nhà: 80m2 và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5m

– Đối với đất có nhà hiện hữu là 50m2 và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m

Cụ thể, đối với mảnh đất bạn định mua, sau khi trừ lộ giới là 11,2x9m tách làm 2 căn nhà căn 1 : 4,5×11,2m và căn 2 : diện tích đất 11,2×4,5m. Như vậy khi mua căn nhà 1 thì có thể tách thửa.

*Thủ tục tách thửa (Nghị định 181/2004/NĐ-CP):

Điều 145. Trình tự, thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa

1. Hồ sơ tách thửa hoặc hợp thửa gồm có:

a) Đơn xin tách thửa hoặc hợp thửa của người SD đất đối với trường hợp người SD đất có nhu cầu khi thực hiện quyền đối với một phần thửa đất hoặc QĐ thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thu hồi một phần thửa đất hoặc một trong các loại văn bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 của NĐ này khi thực hiện đối với một phần thửa đất;

b) GCN QSD đất hoặc một trong các loại giấy tờ về QSD đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai (nếu có).

2. Việc tách thửa, hợp thửa theo nhu cầu của người SD đất được thực hiện như sau:

a) Người có nhu cầu xin tách thửa hoặc hợp thửa lập một (01) bộ hồ sơ nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài; nộp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với HGĐ, cá nhân;

b) Trong thời hạn không quá bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm gửi hồ sơ cho Văn phòng ĐK QSD đất trực thuộc để chuẩn bị hồ sơ địa chính;

c) Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Văn phòng ĐK QSD đất có trách nhiệm làm trích lục BĐĐC hoặc trích đo địa chính đối với nơi chưa có BĐĐC, trích sao hồ sơ địa chính và gửi đến cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp;

d) Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được trích lục BĐĐC, trích sao hồ sơ địa chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thu hồi GCN QSD đất đã cấp hoặc một trong các loại giấy tờ về QSD đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai, trình UBND cùng cấp xem xét và ký GCN QSD đất cho thửa đất mới; Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thu hồi GCN QSD đất đã cấp hoặc một trong các loại giấy tờ về QSD đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai và ký GCN QSD đất cho thửa đất mới trong T.hợp được uỷ quyền hoặc trình UBND cùng cấp xem xét và ký GCN QSD đất cho thửa đất mới trong T.hợp không được uỷ quyền;

đ) Trong thời hạn không quá bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ trình, UBND cấp có thẩm quyền xem xét, ký và gửi cho cơ quan tài nguyên và môi trường trực thuộc GCN QSD đất đối với thửa đất mới, trừ T.hợp Sở Tài nguyên và Môi trường được uỷ quyền;

e) Trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày GCN được ký, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm trao bản chính GCN QSD đất đối với thửa đất mới cho người SD đất; gửi bản lưu GCN QSD đất đã được ký, bản chính GCN QSD đất đã thu hồi hoặc một trong các loại giấy tờ về QSD đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai đã thu hồi cho Văn phòng ĐK QSD đất trực thuộc; gửi thông báo biến động về SD đất cho Văn phòng ĐK QSD đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để chỉnh lý hồ sơ địa chính gốc.

Nguồn: Café Luật